Bê tông Geopolymer

Bê tông Geopolymer 2

Nghiên cứu công nghệ chế tạo bê tông geopolymer trên cơ sở tro bay và tro trấu.

Giới thiệu về Bê tông geopolymer

Công nghệ chế tạo bê tông Geopolymer trên cơ sở tro bay và tro trấu có nhiều tính năng đặc biệt mà bê tông xi măng thông thường không đạt được như:

  • Đông kết nhanh, cường độ nén cao, co khô ít, từ biến thấp, chịu ăn mòn sunfat, chịu môi trường nước biển, chịu môi trường axit, có thể ứng dụng trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng vùng ven biển hải đảo, xây dựng các nhà máy hóa chất.
  • Khả năng chịu nhiệt cao có thể ứng dụng trong thi công các cấu kiện bê tông chịu nhiệt.
  • Bê tông geopolymer có thể đạt cường độ sớm hơn nhiều so với bê tông xi măng làm giảm chi phí sản xuất và cường độ nén tăng dần theo thời gian làm tăng độ bền của bê tông geopolymer.
  • Khả năng gắn kết với cốt thép thì tương đương hoặc cao hơn so với bê tông xi măng.

Tình hình nghiên cứu Bê tông geopolymer trong và ngoài nước

Mở đầu về bê tông geopolymer

Bê tông là một trong những loại vật liệu xây dựng được sử dụng rộng rãi nhất, có thành phần chính là xi măng. Nhu cầu về bê tông hàng năm tăng từ 10÷12%. Đứng ở góc độ khác, sự tăng trưởng này đang làm tăng hiệu ứng nhà kính do nền công nghiệp sản xuất xi măng đang thải ra một lượng khí CO2 khổng lồ bởi muốn có được một tấn xi măng thông thường thì phải thải ra môi trường xấp xỉ 1 tấn CO2. Vì vậy các nhà khoa học công nghệ trên thế giới đang tìm cách làm giảm lượng xi măng sử dụng cho xi măng bằng cách đưa ra các vật liệu có thể thay thế được từ các nguồn phế thải như tro xỉ nhiệt điện, xỉ lò cao, bụi SiO2, tro trấu…

Năm 1988 Davidovits đã tạo ra bê tông geopolymer, một loại bê tông không sử dụng chất kết dính là Poocland xi măng mà là sản phẩm của phản ứng giữa dung dịch kiềm và các loại vật liệu có chứa silic và nhôm. Chất kết dính này có thể gọi là chất kết dính kiềm hoạt hóa.

Từ xưa người ta đã biết sử dụng chất kết dính này trong các công trình ở thời kỳ La Mã và Ai Cập cổ đại có tính bền vững rất cao. Thời đó người ta gọi là xi măng đất (soil cement) có thành phần từ đất chứa Alumino Silicat và phế thải giàu kiềm.

Có rất nhiều nghiên cứu về chất kết dính kiềm hoạt hóa. Người ta thống kê có tới 9 loại geopolymer khác nhau nhưng loại có khả năng ứng dụng nhất trong xây dựng là loại sử dụng Alumino Silicat. Loại geopolymer này dựa vào quá trình nhiệt hoạt hóa các sản phẩm công nghiệp như tro bay, xỉ lò cao nhằm cung cấp Si và Al với dung dịch kiềm kích hoạt rồi sau đó thực hiện quá trình trung hợp lại thành chuỗi phân tử tạo ra đá kết cứng, cho đến nay cơ chế đông học của quá trình đông kết của vật liệu geopolymer bằng chất kết dính kiềm hoạt hóa vẫn còn là điều bí ẩn.

Bản chất hóa học bê tông geopolymer

Khái niệm “Geopolymer” được Davidovits giới thiệu đầu tiên từ năm 1978 để mô tả họ của các chất kết dính từ khoáng chất với thành phần hóa học tương tự như Zeolite nhưng có cấu trúc vô định hình. Ông đã đưa ra khái niệm poly(sialate) để mô tả về mặt hóa học geopolymer trên cơ sở silico-aluminate.

Poly(sialate) là các mắt xích và vòng polymer với Si4+ và Al3+ với oxy.

Cơ chế của quá trình kiềm kích hoạt trước tiên là quá trình bẻ gãy các liên kết cộng hóa trị Si-O-Si và Al-O-Si khi pH tăng lên. Vì vậy những nhóm nguyên tố này chuyển sang dạng hệ keo. Sau đó xảy ra sự tích tụ các sản phẩm bị phá hủy với các phản ứng nội tại giữa chúng tạo ra cấu trúc ổn định thấp, tiếp theo là quá trình hình thành cấu trúc đông đặc (Hình 1)

Bê tông Geopolymer 1
Bê tông Geopolymer 1

Hình 1: Sơ đồ mô phỏng sự hoạt hóa vật liệu Alumino Silicat

 

Quá trình Polymer hóa bởi dung dịch kiềm được diễn ra bởi phương trình sau:

Bê tông Geopolymer - Phản ứng hóa học
Bê tông Geopolymer – Phản ứng hóa học

Nước chỉ đóng vai trò tạo tính công tác, không tham gia phản ứng tạo cấu trúc geopolymer, không tham gia phản ứng hóa học mà bị loại ra trong quá trình bảo dưỡng sấy khô, không giống xi măng thường cần nước trong quá trình thủy hóa.

Nguyên liệu để chế tạo ra geopolymer

Nguyên liệu để chế tạo ra geopolymer gồm 2 thành phần chính là Alumino-silicate nhằm cung cấp Si và Al cho quá trình polymer hóa và dung dịch kiềm hoạt hóa dựa trên cơ sở Na hay K nhằm tạo ra môi trường kiềm cho quá trình polymer hóa.

Năm 1972, Davidovits đã sử dụng cao lanh làm nguồn cung cấp Al và Si với dung dịch kiềm là NaOH và KOH để sản xuất geopolymer. Đến năm 1979, ông đã sử dụng Metal cao lanh được nung ở 750oC trong 6h từ cao lanh để sản xuất ra geopolymers.

Năm 1999, Xu and Van Deventer đã nghiên cứu rộng hơn trên 16 loại khoáng chất tự nhiên được các nhóm garned, mica, clay, Feldspai, sodalite và zeolite làm nguồn cung cấp Al và Si. Còn dung dịch kiềm được sử dụng vẫn là NaOH và KOH. Kết quả cho thấy dùng KOH tốt hơn.

Về sau này, từ năm 2003, nhiều tác giả cũng đã đề cập đến việc sử dụng phế thải như tro bay, xỉ lò cao hay chất thải của quá trình tuyển khoáng làm nguồn cung cấp Si và Al. Còn dung dịch kiềm là hỗn hợp giữa NaOH và Na2O.SiO2 hay KOH và K2O.SiO2. Kết quả cho thấy rằng sử dụng hỗn hợp NaOH với Na2O.SiO2 cho kết quả cao nhất về cường độ của bê tông.

 

Đặc tính của bê tông geopolymer

          Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho rằng bê tông geopolymer có nhiều tính chất đặc biệt mà bê tông xi măng thông thường không đáp ứng được như:

  • Có thể tạo ra cường độ nén cao, co khô ít, tư biến thấp, chịu ăn mòn sunfat, chịu được môi trường nước biển, chịu môi trường axit có thể ứng dụng trong các lĩnh vực: xây dựng hạ tầng cơ sở vùng ven biển, hải đảo, xây dựng các nhà máy hóa chất.
  • Khả năng chịu nhiệt cao có thể ứng dụng trong thi công các cấu kiện bê tông chịu nhiệt.
  • Về tính bền, bê tông geopolymer có thể đạt cường độ sớm hơn nhiều so với bê tông xi măng và tiếp tục tăng dần theo thời gian làm giảm chi phí sản xuất và tăng độ bền của bê tông geopolymer.
  • Khả năng gắn kết với cốt thép thì tương đương hoặc cao hơn so với bê tông xi măng

Lĩnh vực ứng dụng bê tông geopolymer

Theo Davidovits chất kết dính geopolymer có các dạng ứng dụng sau:

·        Tấm kết cấu chống cháy

·        Tấm tường và panel cách nhiệt

·        Sản xuất đá nhân tạo trang trí

·        Tấm panel bọt cách nhiệt

·        Ứng dụng làm khuôn đúc

·        Bê tông và chất kết dính

·        Vật liệu cản lửa và gia cố sửa chữa

·        Vật liệu xây thô

·        Gạch không nung

·        Kết cấu chịu lửa

·        Kết cấu chống sốc nhiệt

·        Vật liệu chống cháy

  • Ở Mỹ ứng dụng chủ yếu của chất kết dính geopolymer là sản xuất xi măng geopolymer đóng rắn nhanh được ứng dụng trong các sân bay quân sự từ năm 1985, đường băng, sàn nhà công nghiệp, đường cao tốc, loại xi măng này có thể đạt cường độ 200kg/cm2 sau 4 – 6h. Năm 1997, công ty Zeotech đã thương mại hóa sản xuất geopolymer bền axit cho các nhà máy hóa chất và thực phẩm.
  • Ở Úc bê tông geopolymer đã và đang được ứng dụng trong thực tiễn như thanh tà vẹt đúc sẵn, đường ống cống và các loại cấu kiện bê tông đúc sẵn với yêu cầu là phải cho cường độ cao ở tuổi sớm sau khi bảo dưỡng bằng hơi nước hoặc nhiệt. Theo báo cáo này thì bê tông geopolymer dễ dàng được sản xuất bằng công nghệ sản xuất bê tông bằng xi măng thông thường hiện tại mà không cần phải thay đổi lớn nào. Hãng Ecrete ở Úc đã thương mại hóa nhiều sản phẩm như Panel đúc sẵn, ống cống, cống hộp, bệ xí tự hoại, hố thu rác, gạch lát, tấm trang trí, cách âm…
  • Ở Việt Nam mới chỉ có một loại sản phẩm thương mại có nguồn gốc từ bê tông geopolymer là gạch đất không nung, tuy nhiên chưa được sử dụng rộng rãi. Ngoài ra cũng có một số nghiên cứu về bê tông chịu lửa trên cơ sở geopolymer tại Viện vật liệu xây dựng. Công trình nghiên cứu này đã được ứng dụng và thực tế với lượng không nhiều. Một số nghiên cứu sản xuất geopolymer từ hỗn hợp bùn đỏ – tro bay hoặc sản xuất gạch Block bê tông geopolymer có cường độ nén đạt 100kg/cm2 có giá thành rẻ hơn gạch bê tông xi măng thông thường 10%.
    • Theo Davidovits, bê tông geopolymer có khả năng giảm hiệu ứng nhà kính sản xuất 1 tấn xi măng thông thường tạo ra 0,35 tấn CO2 từ các phản ứng phân hủy khoáng cacbonat cùng với 0,42 tấn CO2 do đốt nhiên liệu than cacbon. Như vậy xấp xỉ 1 tấn CO2 sinh ra khi sản xuất 1 tấn xi măng trong khi sản xuất 1 tấn chất kết dính geopolymer chỉ sinh ra 0,18 tấn CO2 từ đốt cháy nhiên liệu. Như vậy so với 1 tấn CO2 sinh ra khi sản xuất 1 tấn xi măng thì sản xuất chất kết dính geopolymer thấp hơn 6 lần.
    • Bên cạnh đó khi bê tông geopolymer có sử dụng chất thải rắn công nghiệp như tro bay từ các nhà máy nhiệt điện than, tro trấu từ các quá trình đốt trấu thì có thể mang lại nhiều lợi ích khác như giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường không khí, nước và đất, đến sức khỏe của con người. Hiện chất thải này đang tồn đọng chiếm diện tích ao hồ bãi chứa rất lớn.
    • Khi sử dụng các nguồn phế thải này thì chi phí đầu tư và chi phí sản xuất bê tông geopolymer cũng sẽ giảm đi nhiều.

Căn cứ để thực hiện đề tài bê tông Geopolymer

  • Như vậy chúng ta thấy rằng bê tông geopolymer về mặt tính chất có rất nhiều ưu điểm như chịu được môi trường nước kiềm, axit, chịu nhiệt…So với xi măng bê tông thông thường thì rất phù hợp với xây dựng cơ sở hạ tầng vùng ven biển, hải đảo và về mặt môi trường có thể coi là một loại bê tông xành giảm được lượng lớn CO2 thải ra môi trường.
  • Nguyên liệu để chế tạo ra geopolymer gồm 2 thành phần chính là Alumino-silicate nhằm cung cấp Si và Al cho quá trình polymer hóa và chất kiềm hoạt hóa là dung dịch NaOH và thủy tinh lỏng Na2SiO2 nhằm tạo ra môi trường để thực hiện phản ứng polymer hóa.
  • Alumino-silicate có thể sử dụng1 loại phế thải của các nhà máy nhiệt điện than là tro bay có hàm lượng SiO2 = 57% và Al2O3 = 23% và CaO thấp. Nước ta hàng năm đang thải ra một lượng tro xỉ rất lớn, khoảng 12 ÷ 13 triệu tấn và theo quy hoạch điện 7 thì đến năm 2023 thì lượng tro xỉ này sẽ tăng lên đến 31 triệu tấn/năm. Hiện tại chúng ta mới xử lý và sử dụng khoảng 4 triệu tấn/năm. Như vậy, nếu không xử lý và tìm ứng dụng thì đến năm 2020 lượng tro xỉ tồn đọng sẽ lên tới 60 triệu tấn. Do vậy, việc xử lý lượng tro xỉ này và tìm kiếm ứng dụng là việc làm rất cấp bách, đặc biệt là trong lĩnh vực vật liệu xây dựng đem lại lợi ích kinh tế xã hội.
  • Đối với chất kiềm hoạt hóa thì NaOH dễ dàng mua trên thị trường, nhưng Na2SiO2 hiện đang được sản xuất ở quy mô công nghiệp đi từ nguyên liệu cát trắng với Na2CO3. Tinh thể thạch anh có cấu trúc rất bền vững, trơ về mặt hóa học, nó chỉ phản ứng với Na2CO3 khi nung chảy ở nhiệt độ 1300 ÷ 1400oC. Vì thế, quá trình tiêu tốn nhiên liệu, giá thành sản xuất cao làm cho khả năng cạnh tranh với bê tông xi măng thông thường gặp khó khăn. Mặt khác, các nhà máy sản xuất thủy tinh lỏng chủ yếu tập trung ở phía bắc với sản lượng vừa đủ cho các ứng dụng hiện tại của thủy tinh lỏng, chưa tính đến ứng dụng trong bê tông geopolymer.

Vì lý do trên cho nên đề tài đưa ra phương án sản xuất thủy tinh lỏng từ nguyên liệu gồm NaOH và tro trấu. Tro trấu chứa hàm lượng SiO2 rất cao, trên 90%, đặc biệt nó tồn tại dưới dạng vô định hình, cấp hạt mịn, có hoạt tính cao dễ dàng phản ứng với NaOH ở nhiệt độ 90 ÷ 100oC tạo ra natri silicat.

Tro trấu là loại phế thải rất phổ biến của ngành công nghiệp lúa ở nước ta với sản lượng 44 triệu tấn lúa mỗi năm. Vỏ trấu chiếm 30% tương đương với 13,2 triệu tấn/năm. Vỏ trấu khi đốt thải ra 20% tro trấu tương đương 2,6 triệu tấn/năm. Các phương pháp đốt thủ công hiện vẫn đang được sử dụng đều gây tác động xấu đến môi trường. Kỹ thuật khí hóa nay vẫn được thay thế để dùng hết năng lượng mà không thải ra khói. Như vậy, nếu sử dụng tro trấu làm nguyên liệu để cung cấp SiO2 cho quá trình Na2O.SiO2 thì cùng một lúc sẽ đáp ứng được 2 mục tiêu : một là giảm chi phí năng lượng, tăng khả năng cạnh tranh của bê tông geopolymer và kế tiếp là khai thác có hiệu quả nguồn phế thải trở thành nguồn tài nguyên lớn có giá trị luôn sẵn có ở mọi vùng đất nước.

 Những nội dung nghiên cứu bê tông geopolymer

(1) Nghiên cứu công nghệ xử lý tro bay nhiệt điện Vĩnh Tân

  • Nghiên cứu công nghệ xử lý tro xỉ nhiệt điện Vĩnh Tân – Bình Thuận tạo ra sản phẩm tro bay đạt tiêu chuẩn làm nguồn nguyên liệu cung cấp Si và Al cho quá trình sản xuất geopolymer.
  • Nghiên cứu kỹ thuật đốt trấu bằng phương pháp khí hóa, biến trấu thành các loại khí hữu hiệu dùng để gia nhiệt cho phản ứng giữa tro trấu và NaOH tạo ra dung dịch nước thủy tinh. Quá trình đốt không thải ra năng lượng và khói ra môi trường đồng thời tạo ra được tro màu trắng làm nguyên liệu cung cấp SiO2 vô định hình cho quá trình sản xuất thủy tinh lỏng.

(2) Nghiên cứu công nghệ đốt trấu tạo tro trấu màu trắng

 (3) Nghiên cứu công nghệ sản xuất dung dịch kiềm hoạt hóa NaOH + Na2On.SiO2

 (4) Nghiên cứu công nghệ sản xuất bê tông geopolymer

 (5) Nghiên cứu sự phụ thuộc cường độ nén theo thời gian ngâm trong môi trường Na2SO4, NaCl

 (6) Nghiên cứu sự phụ thuộc cường độ nén sau khi nung ở nhiệt độ 200-1000oC

 (7) Nghiên cứu sự phát triển cường độ nén theo thời gian

(8) Thiết lập modul dây chuyền công nghệ sản xuất bê tông geopolymer từ tro bay, tro trấu và NaOH

  • Thiết kế modul dây chuyền sản xuất bê tông geopolymer
  • Chạy thử công nghệ và đánh giá hiệu quả kinh tế
  • Tạo ra các mảng bê tông liên kết gài tự chèn 3 chiều lắp ghép bằng các cấu kiện bê tông geopolymer đúc sẵn có kết cấu tối ưu dùng cho các công trình chống sói lở, bảo vệ bờ sông, biển, kênh rạch…

(9) Sản xuất một số cấu kiện đúc sẵn bê tông geopolymer tạo mảng bê tông liên kết gài tự chèn 3 chiều

 (10) Báo cáo tổng kết nghiệm thu đề tài

Cách tiếp cận, phương pháp nghiên cứu và kỹ thuật sử dụng

(1) Tro bay nhiệt điện Vĩnh Tân – Bình Thuận được xử lý bằng công nghệ tuyển nổi.

Tuyển nổi là kỹ thuật rất thông dụng đã có từ lâu trên thế giới được áp dụng từ nhiều năm ở Việt Nam trong lĩnh vực chế biến khoáng sản. Riêng trong lĩnh vực chế biến tro bay nhiệt điện Phả Lại đã được các nhà khoa học công nghệ Việt Nam áp dụng gần đây nhằm tách than chưa cháy hết ra khỏi tro bay. Chất lượng tro bay được đánh giá đạt tiêu chuẩn ACTM18 có hàm lượng MKN < 0% được sử dụng trong các công trình thủy điện lớn ở Việt Nam như Sơn La, Lai Châu, Bản Chát, Trung Sơn…

Các quá trình hóa lý xảy ra được mô tả ở hình sau:

Bê tông Geopolymer - Quá trình lý hóa
Bê tông Geopolymer – Quá trình lý hóa

Hình 2: Sơ đồ nguyên lý tuyển nổi tro bay

 Thuốc tập hợp là dầu diezel được đưa vào dung dịch tạo lớp bọc ngoài cho các hạt khoáng vật được tuyển là than chưa cháy hết. Tại đây, một lượng thuốc tạo bọt được cấp vào. Than sau khi biến đổi bề mặt sẽ bám vào các bọt khí nổi lên và được gạt ra trong các ngăn tuyển nổi. Phần còn lại dưới ngăn máy là tro bay đã được tách than. Kỹ thuật này sẽ được áp dụng để xử lý tro xỉ của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân – Bình Thuận tạo ra tro bay sạch làm nguồn nguyên liệu cung cấp Si và Al cho quá trình polymer hóa geopolymer.

(2) Trấu có nhiệt lượng 4200 Kcal/kg và đó là nguồn năng lượng chúng ta không thể bỏ qua.

 Mỗi cách đốt lại cho ta một lượng nhiệt và các loại tro khác nhau. Nếu đốt thủ công, tro sinh ra là loại tro xám có nhiều thành phần khác nhau, bao gồm: tro đen, tro trắng và than chưa cháy hết, kèm theo là lượng nhiệt sinh ra ít hơn. Trong trường hợp này phải nghiền và tuyển để phân loại. Kỹ thuật khí hóa được thay thế cho cách đốt thủ công. Toàn bộ nhiệt lượng của trấu sẽ được sử dụng và không thải ra khói. Nguyên lý chủ yếu là đưa vào nhiệt phân, biến trấu thành các loại khí hữu dụng để đốt cháy và thành tro trắng có độ sạch cao và hàm lượng SiO2 lớn hơn 90% ở dạng vô định hình là nguồn cung cấp SiO2 cho phản ứng tạo Na2O.SiO2 với sự trợ giúp của nhiệt độ 90-100oC được cấp từ khí đốt sinh ra trong quá trình nhiệt phân.

(3) Phương pháp chế tạo dung dịch kiềm hoạt hóa.

Dung dịch kiềm hoạt hóa là hỗn hợp NaOH với dung dịch Na2O.SiO2 được chế tạo theo sơ đồ công nghệ sau:

Bê tông Geopolymer - Phương pháp chế tạo dung dịch kiềm hoạt hóa
Bê tông Geopolymer – Phương pháp chế tạo dung dịch kiềm hoạt hóa

Hình 3: Sơ đồ chế tạo dung dịch kiềm hoạt hóa

NaOH được hòa tan trong nước rồi trộn với tro trấu với tỷ lệ nhất định. Hỗn hợp sau khi trộn được đưa vào thùng phản ứng có khuấy. Nhiệt độ phản ứng trong khoảng 90-100oC và thời gian 2h. Nhiệt được cấp bằng hơi nước ở lớp vỏ của thùng phản ứng lấy từ nhiệt khí đốt trực tiếp nồi hơi. Tỷ lệ mol SiO2/Na2O sẽ được lựa chọn trong quá trình thực nghiệm. Sản phẩm sau phản ứng được đem đi lọc loại bỏ phần tạp chất rắn. Dịch lọc là hỗn hợp NaOH và Na2OsiO3 là dung dịch kiềm hoạt hóa.

(4) Phương pháp chế tạo bê tông geopolymer

Quy trình chế tạo bê tông geopolymer được mô tả ở sơ đồ công nghệ sau:

Bê tông Geopolymer - quy chình chế tạo
Bê tông Geopolymer – quy chình chế tạo

Hình 4: Sơ đồ công nghệ chế tạo bê tông geopolymer

Tro bay được trộn với dung dịch NaOH + Na2O.SiO2, một số loại phụ gia như silica fume được cấp thêm vào. Sau đó cột liệu mịn và thô được cho vào với tỷ lệ hợp lý. Quá trình công nghệ tương tự như bê tông xi măng và sản phẩm được đổ vào khuôn. Quá trình polymer hóa được thực hiện ở 60oC trong vòng 6h. Tiếp theo là quá trình dưỡng hộ trong môi trường không khí.

(5) Tỷ lệ cấp phối khác nhau sẽ tạo ra một mối liên hệ giữa Na2O và tỷ lệ SiO2/Na2O trong vùng nhất định. Từ đó sẽ chọn ra giá trị Na2O và Ms=SiO2/Na2O cho cường độ cao nhất để đúc ra các mẫu thí nghiệm về:

  • Khả năng chịu môi trường sunfat
  • Khả năng chịu môi trường nước biển
  • Khả năng chịu môi trường axit
  • Khả năng chịu nhiệt

(6) Đổ thử nghiệm một số cấu kiện bê tông geopolymer đúc sẵn có kết cấu tối ưu lắp ghép tạo thành mảng bê tông geopolymer liên kết tự chèn 3 chiều dùng cho các công trình kè bảo vệ bờ sông, bờ biển

Khả năng và phương thức ứng dụng kết quả đề tài

  • Tro trấu trắng sạch có thể sản xuất cung cấp cho thị trường trong nước ở nhiều lĩnh vực, trong đó để sản xuất Aerogel ứng dụng trong nhiều kỹ thuật khác nhau với giá bán 250USD/kg thay thế cho Aerogel tổng hợp 3000USD/kg , hay trong sản xuất nano SiO2.
  • Thiết bị và công nghệ sản xuất tro trấu trắng sạch kết hợp với việc sử dụng nguồn nhiên liệu của trấu có thể chuyển giao cho các cơ sở có sử dụng nồi hơi cấp hơi nước cho các quá trình sản xuất.
  • Thiết bị và công nghệ sản xuất dung dịch kiềm hoạt hóa có thể cung cấp cho các đơn vị làm đường nông thôn, biên giới.
  • Thiết bị và công nghệ sản xuất dung dịch kiềm hoạt hóa và công nghệ sản xuất bê tông geopolymer có thể cung cấp chuyển giao cho các đơn vị kè sông, biển, xây dựng cơ sở hạ tầng vùng ven biển, hải đảo, vùng xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long

Các tác động khác của kết quả đề tài bê tông geopolymer

  • Bê tông geopolymer có khả năng làm giảm hiệu ứng nhà kính do không thải ra CO2 vào môi trường.
  • Bê tông geopolymer sử dụng 2 nguồn phế thải khổng lồ là tro xỉ nhiệt điện than và tro trấu của ngành công nghiệp lúa mang lại nhiều lợi ích khác như giảm thiểu ảnh hưởng của chúng đến môi trường không khí, đất và nước, ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Hiện chất thải này đang tồn đọng chiếm diện tích ao hồ, bãi chứa rất lớn.
  • Khi sử dụng nguồn phế thải này kết hợp với giải pháp công nghệ sản xuất thủy tinh lỏng từ tro trấu với NaOH sẽ làm giảm chi phí đầu tư và chi phí sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh với bê tông xi măng thông thường.

Chủ nhiệm đề tài

– Họ và tên: Lê Tuấn Minh

– Học vị: Kỹ sư

– Chức vụ: Nghiên cứu viên

– Phòng chuyên môn: Phòng Công nghệ và ứng dụng vật liệu_Viện Khoa học Vật liệu                

Các sản phẩm phân phối kinh doanh chính :

Với đội ngũ quản lý kỹ sư chuyên nghiệp nhiều kinh nghiệm đông đảo kỹ thuật viên công nhân lành nghề Công ty Cổ Phần Cơ Điện Asia luôn đáp ứng được đa dạng yêu cầu từ Quý khách hàng với chất lượng tốt nhất.

Chúng tôi luôn luôn nỗ lực cải tiến hoàn thiện hệ thống để mang lại cho khách hàng những sản phẩm và dịch vụ tốt nhất, mục tiêu của chúng tôi luôn luôn lấy sự hài lòng của khách hàng làm nền tảng cho sự phát triển bền vững.

Chúng tôi trân trọng cảm ơn Quý khách hàng đã quan tâm và sử dụng sản phẩm dịch vụ của chúng tôi và mong muốn đồng hành cùng sự phát triển của Quý khách hàng

Trân trọng cảm ơn.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo